Ngày 15.3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến công tác dân nguyện của Quốc hội. Trong đó, vấn đề cần giải quyết nhanh khiếu kiện của Tập đoàn Trung Nam về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dừng khai thác 172 MW công suất điện và chậm tiếp nhận trạm biến áp 500 kV được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, trong tháng 2, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 312 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 305 vụ việc và có 11 lượt đoàn đông người, tăng 131 lượt người về 117 vụ việc và 6 lượt đoàn đông người so với tháng 1.
Riêng đơn khiếu nại, các cơ quan đã nhận được 1.325 đơn, tăng 392 đơn so với tháng trước. Trong đó, nổi lên là vụ việc của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam ở Ninh Thuận liên quan đến việc EVN dừng khai thác 172 MW trong tổng công suất 450MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam và chậm tiếp nhận trạm biến áp 500 kV, hệ thống đường dây 500 kV, 220kV đấu nối do doanh nghiệp đầu tư, xây dựng.
Dẫn quy định tại Thông tư số 15 ngày 3.10.2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21 ngày 7.1.2023 về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương, ông Dương Thành Bình đánh giá việc EVN dừng huy động 172 MW của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam ngày 1.9.2022 với lý do chưa có cơ chế giá điện là thiếu cơ sở pháp lý, không đúng quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Đồng thời, chưa đúng với hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa các bên, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho công ty, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội... EVN dừng đột ngột khiến dự án chỉ vận hành thương mại được 60% so với thiết kế, khiến doanh nghiệp mỗi ngày chịu thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.
"Chính phủ cần đôn đốc, chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc sớm khai thác phần công suất 172 MW của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; bảo đảm đúng quy định, thực hiện đúng cam kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên" - Ban Dân nguyện kiến nghị.
Đối với việc tiếp nhận, quản lý, vận hành trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220kV đấu nối, Trưởng ban Dân nguyện cho biết mặc dù công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và vận hành nhưng đến nay EVN chưa thực hiện tiếp nhận, quản lý, vận hành các công trình này.
Trên thực tế, thực hiện hoạt động vận hành, điều độ điện tại trạm biến áp 500 kV Thuận Nam hiện nay do doanh nghiệp thuê đơn vị truyền tải thuộc EVN vận hành, điều độ để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, do pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc chuyển giao tài sản trong trường hợp này nên EVN chưa thực hiện tiếp nhận quản lý, vận hành trạm biến áp 500 kV và hệ thống đường dây 500 kV, 220kV do Công ty Trung Nam Thuận Nam đầu tư, xây dựng và chuyển giao.
Từ đó, Ban Dân nguyện đề xuất Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý để EVN sớm tiếp nhận, quản lý và vận hành trạm biến áp 500 kV Thuận Nam cùng hạ tầng truyền tải 500kV, 220 kV Thuận Nam do Công ty Trung Nam Thuận Nam đầu tư.
Trước vấn đề này, Phó giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm cho biết trên cơ sở Thông tư 15 và Quyết định 21 của Bộ Công thương, EVN và Trung Nam đã ngồi lại với nhau để hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Tập đoàn cũng đã đề nghị Trung Nam tham khảo phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện để đi đến thống nhất. Khi Trung Nam hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, hai bên sẽ cùng với nhau đàm phán, báo cáo với Bộ Công Thương kết quả.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý Bộ Công thương và EVN nhanh chóng hoàn thành các thủ tục tiếp nhận đúng luật nhưng phải trên tinh thần sớm tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn, các công ty.
Hotline