Nhằm khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững, Đại sứ Thuỵ Điển hôm 15/3 giới thiệu hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà riêng ở Hà Nội.
“Năng lượng là trung tâm của phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế. Năng lượng mặt trời không tạo ra bất kỳ ô nhiễm môi trường hoặc tiếng ồn và là một trong nguồn năng lượng sạch nhất. Chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời cho phép giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường an ninh năng lượng. Chúng tôi hy vọng rằng hoạt động này truyền cảm hứng cho nhiều những người khác cũng sẽ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái", bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết.
Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam
Nhân Ngày quốc tế năng lượng mặt trời và nhằm khuyến khích, thúc đẩy tính hiệu quả và bền vững về năng lượng, hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời đã được giới thiệu tại nhà riêng của Đại sứ Thuỵ Điển, ở khu vực Tây Hồ, Hà Nội.
Tiếp cận toàn cầu với năng lượng tái tạo, sạch và hiện đại là nền tảng giúp giải quyết những thách thức mà thế giới phải đối mặt, bao gồm đói nghèo, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước sạch, sức khỏe và tăng trưởng kinh tế bao trùm.
Hệ thống điện mặt trời này có tổng công suất 18,5kW, là hệ thống điện mặt trời sử dụng bộ biến tần đặc biệt với pin giúp có thể lưu trữ năng lượng cho những lần sử dụng sau. Khả năng lưu trữ năng lượng cho phép hệ thống cũng hoạt động như một nguồn cung cấp điện dự phòng những khi mất điện, tương tự như hệ thống UPS.
Đại diện nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật Orient cho biết: "Chỉ trong 58 ngày vận hành, hệ thống điện mặt trời này đã tạo ra 1,74MWh. Điều đó tương đương với việc trồng 5 cây xanh, tiết kiệm 0,60 tấn than tiêu thụ cũng như hạn chế thải ra môi trường khoảng 1,73 tấn CO2 trong khoảng thời gian khá ngắn trong thời tiết mùa đông. Chúng tôi kỳ vọng rằng hệ thống có thể cung cấp nhiều điện hơn vào mùa hè, khi khu vực miền Bắc chan hoà ánh nắng".
Đại sứ quán Thụy Điển
Đại sứ quán Thụy Điển
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Thụy Điển là quốc gia tiên phong về chỉ số chuyển đổi năng lượng, đứng số 1 thế giới trong ba năm liên tiếp (2018-2020). Điều này có nghĩa là Thụy Điển là nước dẫn đầu chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng an toàn, bền vững, với giá cả phải chăng và bao trùm trong tương lai.
Cho đến đầu những năm 1970, Thụy Điển phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ để cung cấp năng lượng. 75% năng lượng được tạo ra đến từ dầu mỏ. Sau cuộc khủng hoảng dầu năm 1973, Thụy Điển đã đầu tư mạnh mẽ vào việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.
Ngày nay, Thụy Điển là một trong những quốc gia có được nhiều tiến bộ nhất trên thế giới trong lĩnh vực này. Thuỵ Điển tái chế tới 99% rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình và là một trong những nơi có mức phát thải carbon bình quân đầu người thấp nhất trong số các quốc gia phát triển.
“Kinh nghiệm của Thụy Điển đã chỉ ra rằng con đường phát triển khi ta nói không với hoá thạch vừa khả thi vừa đem lại những điều tốt hơn. Hơn một nửa năng lượng được sử dụng ở Thụy Điển đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Thụy Điển đặt ra mục tiêu đáp ứng 100% nhu cầu điện từ các nguồn tái tạo vào năm 2040. Giảm lượng khí thải carbon là chìa khóa quan trọng và Thụy Điển đã đạt được tăng trưởng lên và phát thải giảm xuống", Đại sứ Måwe chia sẻ và tiếp tục nhấn mạnh rằng tương lai nằm trong tay những nền kinh tế có mức phát thải carbon thấp.
Việt Nam đang đứng trước thời điểm quyết định. Mức tiêu thụ năng lượng ngày càng cao, trong khi năng lượng tái tạo được đánh giá là khá cạnh tranh về chi phí. Do đó, năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng của Việt Nam và giúp giảm phụ thuộc nhiệt điện.
Những thách thức chính là làm thế nào Việt Nam có thể thúc đẩy tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và tiếp tục đầu tư để nâng cấp hệ thống lưới điện, tạo ra các đầu vào bền vững cho nguồn năng lượng này.
Sau khi hạn chế sự lây lan của COVID-19 trong xã hội, Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về phục hồi xanh, toàn diện, tăng khả năng chống chịu, dựa trên các nguyên tắc của Thỏa thuận Paris và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc hướng đến 2030 (trong đó mục tiêu SDG7 về Năng lượng sạch và Giá cả phải chăng là một ưu tiên). Điều đó không chỉ có lợi cho con người và khí hậu, mà còn mang lại các cơ hội hợp tác kinh doanh mới.