Trên một số diễn đàn về pin mặt trời đã xuất hiện các lời cảm thán về chuyện hết pin mặt trời để bán như “chỉ còn 6 MW pin đẩy nốt là đóng đơn”, “Pin hết rồi lấy gì để bán đây. Toang thật rồi”… vào tối muộn hôm qua, 16/9.
Ngay lập tức, thông tin này cũng nhận được mối quan tâm của nhiều người bởi cơn sốt điện mặt trời, nhất là các dự án áp mái vẫn chưa hạ nhiệt khi nhiều người vẫn cho rằng tới ngày 31/12/2020 vẫn còn tận 3,5 tháng nữa.
Lý giải việc pin mặt trời tại Việt Nam rơi vào tình trạng khan hiếm, một doanh nghiệp chuyên bán inverter cho một số thương hiệu nổi tiếng trong đó có thương hiệu Huawei đã công khai nói về một số nguyên nhân.
Theo đó, do có nhà máy sản xuất silicon tại Trung Quốc gặp sự cố nên đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu để sản xuất tấm pin, dẫn tới sản lượng pin mặt trời sụt giảm. Sự cố nổ tại nhà máy silicon này cũng khiến cơ quan hữu trách Trung Quốc quyết định rà soát lại hoạt động sản xuất silicon liên quan và tương tự để điều tra nguyên nhân, nên việc sản xuất pin mặt trời cũng có khó khăn chung.
Cũng ở thời gian này, Chính phủ Trung Quốc mới quyết định gia hạn chính sách ưu đãi về phát triển năng lượng mặt trời trong nước thêm gần 30 GW (30.000 MW) pin. Đáng chú ý là mốc gia hạn này cũng trùng mốc COD (được công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại) ở Việt Nam là vào ngày 31/12/2020, nên thị trường pin mặt trời ngay tại Trung Quốc đã diễn ra sự chạy đua khốc liệt để mua hàng, kéo theo tình trạng cháy hàng ngay tại Trung Quốc chứ chưa nói gì về tới Việt Nam.
“Các công ty và hãng lớn trong danh sách Tier -1 (bảng xếp hạng về uy tín của các thương hiệu pin mặt trời trên thế giới) giờ gần như ngưng giao hàng cho Việt Nam. Với những lô hàng có thời gian giao vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2020 sẽ là sót lại do không kịp tiến độ theo hợp đồng đã ký trước đó và số lượng này sẽ rất ít”, bà Tâm nhận xét và cho hay.
Như vậy, các hãng lớn đã dừng lại trong cuộc đua cấp pin mặt trời cho Việt Nam với mốc 31/12/2020. Còn cuộc đua sau năm 2020 thì còn phải chờ nhiều điều khác.
Lo mất trắng
Chia sẻ việc chạy đua để có được COD trước khi kết thúc năm 2020 nhằm hưởng giá mua điện theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (FiT2), ông Nguyễn Anh, nhà tư vấn về năng lượng tái tạo cho hay, có ngân hàng đã yêu cầu các chủ đầu tư làm điện mặt trời áp mái phải có khoảng thời gian dự phòng COD trước 2 tháng và phải chọn nhà cấp pin trong danh sách mà ngân hàng đưa ra.
Tức là nếu ngày 31/12/2020 là hạn cuối có COD để được hưởng mức giá FiT 2 thì chủ đầu tư nếu muốn được ngân hàng giải ngân phải cam kết đạt COD vào trước đó 2 tháng, nghĩa là cuối tháng 10/2020.
Không đầy đủ thủ tục đất, nhà đầu tư điện mặt trời áp mái loại hình trang trại đang không được trả tiền dù điện đã phát lên lưới
Tính từ đó trừ lùi lại thời gian pin phải về tới Việt Nam mất từ 6-8 tuần. Nghĩa là bây giờ đã có thể nhìn thấy rõ dự án nào không kịp COD. “Với các dự án điện mặt trời lớn có nối lưới, nếu giờ này mà pin chưa về tới Việt Nam sẽ rất khó khăn”, ông này chia sẻ.
Không chỉ các ngân hàng quan tâm kỹ tới nhà cung cấp pin mặt trời và inverter mà các quỹ nước ngoài cũng xem xét rất kỹ danh sách này. “Nhiều Quỹ đầu tư chỉ chấp nhận 3-5 cái tên hàng đầu về cung cấp tấm pin theo danh sách xếp hạng của Bloomberg New Energy Finance như Longi, JA, Jinko, Canadian, Trina. Ngoài ra thì khó thuyết phục họ xuống tiền”, ông Nguyễn Anh nói.
Với thực tế các thương hiệu pin mặt trời lớn từ Trung Quốc đang quay lại thị trường nội địa của họ, dẫn tới không đủ hàng cấp cho các dự án tại Việt Nam thì việc chọn các nhà cung cấp pin ở nhóm Tier 2, Tier 3 để lấy hàng ở các dự án điện mặt trời đang triển khai dở dang sẽ khiến nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro từ việc các ngân hàng không giải ngân lẫn không tìm được người mua lại dự án như kỳ vọng.
Hiện có thực tế nhiều chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà quy mô xấp xỉ 1 MW thời gian qua bất chấp nguồn gốc đất để triển khai dự án thì giờ dù đã xong, điện đã phát lên lưới nhưng vẫn chưa được trả tiền chính thức sẽ phải guồng chân thật nhanh trong việc chuyển đất trang trại thành đất nông nghiệp khác và đi xin giấy phép xây dựng công trình đầy đủ với điều kiện xong hết trước ngày 31/12/2020 mới có thể được trả tiền điện. Nếu không, tiền đã bỏ ra đầu tư chưa biết thu hồi ở đâu.
“Khi bán hàng cho các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam, chỉ trừ vài ngân hàng gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, còn lại khi chủ đầu tư mở bảo lãnh L/C tại ngân hàng thì bên bán pin vẫn tiến hành mua bảo hiểm hợp đồng. Đây là phòng trường hợp, chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà không nhận được tiền bán điện thì bên cấp thiết bị vẫn nhận được tiền”, một đại diện bán pin cho hay.
Với thực tế nhiều dự án điện mặt trời mái nhà hiện chỉ được ghi nhận nhưng chưa được trả tiền điện thì việc cẩn trọng này của bên bán pin là không thừa.
Nguồn: baodautu.vn