Thu hút, khuyến khích đầu tư các dự án năng lượng mặt trời
27/11/2020, 08:38 AM

Bài 2: Gỡ mọi rào cản, đẩy nhanh đầu tư phát triển năng lượng (Tiếp theo và hết)

Với nhu cầu phát triển điện năng lớn như hiện nay, đồng thời nhiều nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài đã và đang tham gia các dự án phát triển nguồn và lưới điện nhưng còn gặp nhiều khó khăn, việc tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc rất cần thiết. Ðiều này đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Công thương xây dựng cơ chế chính sách thống nhất, xuyên suốt, hấp dẫn nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào lĩnh vực phát triển điện năng, bảo đảm hiệu quả kinh tế lẫn môi trường.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi

Theo Bộ Công thương, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra các định hướng xóa bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng; xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới là tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ, 20.000 MW điện gió, 3.000 MW điện sinh khối, 35.000 MW điện mặt trời. Ðể thu hút các thành phần kinh tế có điều kiện tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giải thích và làm rõ một số quy định tại một số luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng. Hiện, Bộ Công thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Ðiện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng; đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết, cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh, hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành năng lượng, bảo đảm môi trường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Ðồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo giai đoạn tới như: Cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong quá trình này, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng bằng cách hoàn thiện cơ chế, xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng truyền thông số; hệ thống giám sát, quản lý năng lượng tự động, báo cáo thống kê năng lượng quốc gia phục vụ công tác quản lý, điều hành hiệu quả ngành năng lượng. Chính phủ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai thực hiện các dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt là các dự án điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực; xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư các dự án hạ tầng năng lượng; tạo điều kiện để thị trường điện phát triển đúng đắn. Chính phủ cần sớm ban hành Chiến lược phát triển năng lượng, Chiến lược phát triển ngành điện quốc gia trên cơ sở Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ban hành các cơ chế chính sách như: ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA, vốn vay nước ngoài, bảo lãnh Chính phủ cho các dự án điện trọng điểm; rà soát, hoàn thiện quy định bảo đảm đồng bộ và giảm bớt thủ tục trong công tác đầu tư xây dựng...

GS, TSKH Nguyễn Mại đề nghị, định hướng của Việt Nam là tiếp tục phát triển mạnh năng lượng sạch, nhưng cần đánh giá lại toàn diện những kết quả tích cực cũng như các vấn đề tồn tại để mở ra môi trường tối ưu cho năng lượng tái tạo trong thời gian tới, hạn chế hiện tượng "xin-cho", bảo đảm an ninh quốc gia. Vừa qua, có dự án tư nhân đã làm 17 km đường dây truyền tải điện chỉ chưa đến sáu tháng, do đó cần nghiên cứu để đưa cơ chế thí điểm này thành cơ chế, chính sách chung. Có như vậy mới thực hiện được Quy hoạch Ðiện VIII như Bộ Công thương đang trình Chính phủ. Các vấn đề này sẽ được giải quyết nếu chúng ta ưu tiên nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật riêng về năng lượng tái tạo.

Ðể giải bài toán về vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, theo Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực, cần nghiên cứu chính sách ưu tiên một phần nguồn vốn ngân sách nhất định dành cho phát triển năng lượng tái tạo trong một số lĩnh vực cụ thể như phát triển quỹ năng lượng bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở truyền tải điện, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân tại các vùng dự án. Tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ quy hoạch phát triển các dự án năng lượng tái tạo; cho phép xã hội hóa một phần khâu truyền tải điện và phân phối trực tiếp. Tiếp tục tìm kiếm nguồn lực tài trợ, vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như ADB, WB, IMF và các nhà tài trợ khác, các tổ chức phát triển năng lượng tái tạo quốc tế uy tín về cả vốn và trợ giúp kỹ thuật. Phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, trong đó có thị trường trái phiếu năng lượng sạch, trái phiếu xanh là loại hình đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB...) thực hiện thành công trong thời gian qua…

Ủy viên Hội đồng khoa học thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị các bộ, ngành cần rà soát các quy định pháp luật liên quan đầu tư, quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu… để đề xuất sửa đổi những bất cập, chồng chéo giữa các luật với nhau; cần sớm có các hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Ðể các dự án điện độc lập quy mô lớn triển khai thuận lợi, cần xem xét sửa đổi Thông tư 56/2014/TT-BCT của Bộ Công thương để các điều khoản chia sẻ rủi ro hợp đồng mua bán điện; sớm nghiên cứu có cơ chế phí - giá khuyến khích, bảo đảm hoàn vốn và có lợi nhuận với các nguồn làm dự phòng linh hoạt cho điện gió, điện mặt trời.

 

Thu hút, khuyến khích đầu tư các dự án năng lượng mặt trời 

Ðồng bộ giữa nguồn và lưới điện

Hiện nay, vấn đề đồng bộ giữa nguồn và lưới điện còn bất cập, cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho thu hút đầu tư. Hệ thống lưới điện truyền tải chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước đầu tư, khi triển khai xây dựng gặp rất nhiều khó khăn... Luật Ðiện lực quy định về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải, trong khi đó, Luật Ðầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, cũng quy định cho phép đầu tư lưới điện truyền tải nhưng vẫn loại trừ các trường hợp độc quyền theo quy định Luật Ðiện lực. Do đó, để tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Ðiện lực. Nhiệm vụ này dự kiến được thực hiện trong năm 2021 - 2022.

Chủ trương của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ không phải xóa bỏ hoàn toàn độc quyền nhà nước về truyền tải điện, mà cần tách bạch phạm vi nào cần độc quyền, phạm vi nào thực hiện được đầu tư tư nhân trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quá trình đầu tư và quản lý vận hành đối với hệ thống truyền tải điện quốc gia đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định hết sức nghiêm ngặt và chặt chẽ để bảo đảm chất lượng, đồng bộ về thiết bị, ghép nối... và an toàn, ổn định, tin cậy trong quá trình quản lý, vận hành. Do đó, đối với hệ thống truyền tải điện quốc gia có tính chất xương sống và huyết mạch này cần phải độc quyền nhà nước trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành. Ðối với hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối một/hoặc một cụm các nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia, về cơ bản lưới điện này chỉ mang tính cục bộ và có phạm vi ảnh hưởng không lớn khi có sự cố xảy ra, do đó, nhà đầu tư tư nhân có thể thực hiện đầu tư và quản lý vận hành. Cục trưởng Ðiện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương khuyến khích nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để đẩy nhanh tiến độ vào vận hành của các dự án lưới điện, nhất là tại các khu vực cần hoàn thành nhanh nhất có thể lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo. Về dài hạn, công tác quy hoạch, nhất là Quy hoạch điện VIII sẽ được tập trung nghiên cứu, thực hiện bài bản hơn.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối, theo đó: trong khi Luật PPP chưa ban hành và có hiệu lực, Bộ Công thương chịu trách nhiệm hướng dẫn đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối các nhà máy điện và cụm nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, không để xảy ra mất đồng bộ giữa đầu tư nguồn và lưới điện đấu nối. Do đó, thời gian tới, việc đề xuất tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải có thể áp dụng theo quy định của Luật PPP và xem xét theo từng trường hợp cụ thể chứ không áp dụng cho tất cả lưới điện truyền tải, nhất là lưới điện truyền tải quốc gia mang tính chất xương sống, huyết mạch. Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) Phạm Lê Phú khẳng định, EVNNPT luôn hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong việc đầu tư dự án lưới điện truyền tải đấu nối hệ thống truyền tải điện quốc gia, miễn là các dự án này phải bảo đảm đồng bộ các yêu cầu quy định, thủ tục, kỹ thuật, chất lượng.

Hiện nay, các địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc, đề ra các cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư phát triển năng lượng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục hành chính, hướng dẫn các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch, đề xuất Bộ Công thương bổ sung quy hoạch điện lưới quốc gia các dự án chuẩn bị được triển khai theo quy hoạch của tỉnh. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư triển khai dự án. Trong điều kiện cụ thể về mặt bằng và lợi thế cảng nước sâu của Khu kinh tế Vũng Áng, việc chuyển điện than sang điện khí sẽ chuyển đổi được diện tích đất lớn sử dụng cho bãi thải xỉ chuyển sang các mục đích khác một cách hiệu quả vượt trội, góp phần quan trọng giảm tải sức ép môi trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết: Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo quốc gia với tổ hợp khí LNG Cà Ná 6.000 MW, tổ hợp tích năng và tiềm năng điện gió ngoài khơi, điện mặt trời có thể lên đến 20.000 MW. Nếu có chính sách đúng, thông qua Quy hoạch điện VIII, Ninh Thuận có thể vượt khó từ một tỉnh nghèo phụ thuộc ngân sách Trung ương, vươn lên tự chủ, trở thành một tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết: Tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách về đất đai, đền bù, về sử dụng mặt nước, mặt biển; khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức PPP; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án điện... Ðồng thời, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp năng lượng tiếp cận với các nguồn vốn, nhất là các đơn vị có dự án đầu tư phát triển năng lượng sạch…

Theo: Báo Nhân Dân Điện Tử số ngày 26/11/2020

Reviews